Dệt may đối mặt sóng gió nửa cuối năm

Dệt may đối mặt sóng gió nửa cuối năm

Cùng lúc, dệt may gặp thách thức về thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm vỏ container, cước vận chuyển quốc tế tăng vọt...

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 7 tháng đầu năm, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 23 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, vượt Bangladesh, chỉ xếp thứ hai sau Trung Quốc về xuất khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới.

Nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam đã bắt đầu "ngấm", ảnh hưởng tới nhịp sản xuất, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp từ tháng 7.

Báo cáo tình hình kinh doanh tháng 7 của Công ty Dệt may Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu đạt hơn 14 triệu USD (gần 331 tỷ đồng), giảm 3% so với cùng kỳ 2020. Khoản lãi sau thuế vì thế cũng chỉ đạt gần 673.000 USD, tương đương 15 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ban lãnh đạo TCM, dịch bệnh phức tạp, công ty áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" nên năng suất lao động giảm, kéo theo biên lợi nhuận gộp thấp hơn cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm, TCM đạt doanh thu 2.182 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 132 tỷ đồng, giảm 6%.

Tương tự, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng cho biết, tháng 7 đạt doanh thu 595 tỷ đồng, giảm 27,5 tỷ so với tháng 6. Doanh nghiệp này ghi nhận lãi sau thuế 29,5 tỷ đồng tháng 7, và luỹ kế 7 tháng là 135 tỷ đồng.

Đánh giá của Công ty Chứng khoán VnDirect trong báo cáo về ngành dệt may vừa công bố cũng nhận xét, đợt dịch thứ tư khiến nhiều tỉnh, thành phía Nam đang phải thực hiện giãn cách xã hội đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành may mặc không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu lao động để đảm bảo đơn hàng, thời gian giao hàng.

Trong khi đó, Vitas cho biết, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30-35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Hệ quả là nguy cơ không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm hoặc bị khách hàng huỷ đơn hàng là rất lớn. Vitas cho biết, đã có khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác.

sanxuatkhautrang1quynhtran69921629368192


Công nhân một nhà máy may mặc tại Long An sản xuất khẩu trang, thời điểm trước giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần

Sang tháng 8, theo dự báo của Vitas, khó khăn với doanh nghiệp dệt may sẽ gia tăng, ảnh hưởng trực diện tới nhịp sản xuất của toàn ngành. Vì thế tăng trưởng lợi nhuận của ngành này có thể sẽ chậm lại do dịch Covid-19 những tháng cuối năm.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Vitas nhận xét, tình hình dịch bệnh phức tạp như vậy, 5 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn. Mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD năm 2019 sẽ rất khó khăn. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, khả năng ngành chỉ đạt 33-34 tỷ USD trong năm nay.

Ngoài mối lo dịch bệnh làm đứt đoạn chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng cao, thiết hụt trầm trọng container và tình trạng nhiều cảng biển ách tắc lưu thông hàng xuất khẩu... là những trở ngại, tác động trực diện tới nhịp sản xuất của doanh nghiệp dệt may.

Hiện chi phí logistics, vốn chiếm khoảng 9% giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam, đang tăng rất mạnh. Theo VnDirect, giá thuê container hiện đã tăng gấp 3 lần trong 6 tháng đầu năm nay. Cùng đó, tình trạng thiếu container rỗng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM, OBM... làm chậm tiến độ giao hàng cho đối tác.

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch TNG cho biết, tình hình thiếu hụt vỏ container và cước vận chuyển quốc tế tăng cao đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong tháng 7, khi giảm 27,5 tỷ đồng so với tháng 6.

Bên cạnh đó, việc giá cước vận tải tăng cũng sẽ tạo áp lực giảm giá mua hàng. Với gia công dệt may, các doanh nghiệp đa phần xuất khẩu theo FOB, việc thuê nhận chuyển chỉ chịu tác động gián tiếp. Song nếu không đảm bảo thời gian giao hàng sẽ ảnh hưởng tới cam kết giao hàng với đối tác, khách hàng. Trường hợp này, không còn cách nào khác là thương lượng lại về thời gian giao hàng cho đối tác, bởi nếu không phải giao hàng bằng máy bay thì cầm chắc lỗ.

Khó khăn nữa với dệt may ở nửa cuối năm là thiếu hụt lao động. Vitas dự báo, nếu Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8, số công nhân dự kiến sẽ chỉ đạt 60-65%. "Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động rất nghiêm trọng trong thời gian tới", Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nhận xét.

Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may tính tới phương án chuyển nguyên vật liệu từ Nam ra Bắc để tránh đứt gãy sản xuất. Nhưng ngay phương án tình thế này, ông Giang cho rằng, cũng không quá khả quan khi doanh nghiệp chịu thêm chi phí vận tải, thời gian giao hàng cho các nhãn hàng khó đảm bảo.

Chủ tịch Vitas nhấn mạnh, đẩy nhanh tiêm vaccine cho khu vực sản xuất, trong đó có công nhân đông lao động như ngành dệt may tại các khu, cụm công nghiệp là bài toán căn cơ trong bối cảnh cấp bách hiện nay.

Đối diện với nhiều thách thức, nhưng cơ hội cho ngành dệt may vẫn có, là giành thị trường từ đối thủ. Báo cáo của VnDirect nêu, nhiều quốc gia được coi là "đối thủ cạnh tranh trực tiếp" của dệt may Việt Nam như Ấn Độ, Myanmar cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19, khiến các nhà máy may mặc chỉ hoạt động 50% công suất hoặc đóng cửa.

VnDirect dẫn báo cáo của Economic Times cho biết, các doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ ở Tamil Nadu và Karnataka đang lo ngại đơn đặt hàng của họ sẽ giảm một nửa trong 6 tháng cuối năm vì không thể gửi mẫu tới các thương hiệu thời trang để chuẩn bị bộ sưu tập mới.

Tương tự, ngành dệt may Myanmar đang phải đối mặt với cùng lúc hai vấn đề lớn là số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và tình hình chính trị bất ổn từ tháng 3 năm. Số lao động trong các công ty dệt may nước này đã giảm hơn 30% trong nửa đầu năm do các nhà máy đóng cửa.

Bối cảnh này, VnDirect kỳ vọng rằng những tác động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp dệt may như TNG, May Sông Hồng (MSH) hay Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh... có thể hưởng lợi vì các nhà máy của họ đang được đặt tại Thái Nguyên, Nam Định và Huế, những nơi nằm ngoài tâm dịch hiện tại.

Theo VnDirect, TNG và MSH ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể nhờ các đơn hàng FOB dịch chuyển từ Ấn Độ và Myanmar trong quý II. Và sự gia tăng đơn hàng do gián đoạn nguồn cung ở thị trường Ấn Độ và Myanmar sẽ đóng góp lần lượt 20% và 15% vào doanh thu của TNG và MSH năm nay.
Nguồn: https://vnexpress.net

Nếu quý khách có nhu cầu nhập mẫu vui lòng liên hệ với Vinakids

  • Địa chỉ: Tầng 2A tòa 27A3 Greenstars 234 Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội
  • Website: www.vinakids.vn
  • ĐT: 024 6666 1357/0988609664
  • Email: lienhe@vinakids.vn
Share:     
Mời bạn bình luận Dệt may đối mặt sóng gió nửa cuối năm

Mời bạn đăng nhập để bình luận

Hãy là người đầu tiên đánh giá về bài viết này

TOP